Slide Slide Slide Slide Slide Slide
Videos
Quảng Cáo
Thống Kê Truy Cập
Tô thắm thuở vàng son gốm Biên Hoà
(PLVN) - Đi theo xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, tới lưu vực sông Đồng Nai, men theo đường ĐT16 chạy dọc nhánh sông này, chúng tôi đến với làng nghề gốm Tân Hạnh tại TP Biên Hoà. Nơi đây được xem là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời của gốm Biên Hoà xưa.
Tô thắm thuở vàng son gốm Biên Hoà
Công nhân đang hoàn thiện các sản phẩm gốm tại làng nghề Tân Hạnh – Biên Hòa.

Vang danh thế giới

Dừng chân trước một Công ty gốm mỹ nghệ Hoàn Mỹ có tiếng ở khu vực làng gốm Biên Hòa xưa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hàng nghìn sản phẩm đủ màu sắc, đa chủng loại đang được đặt tại phòng trưng bày. Ông Đỗ Minh Sơn, giám đốc công ty đưa chúng tôi đi tham quan nhà máy, trực tiếp giới thiệu từng công đoạn để tạo nên một sản phẩm gốm hoàn chỉnh.

Ông cho biết, vào thời điểm hiện tại những sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã xuất sang gần 30 nước trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU,… ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trên thị trường quốc tế.

Đi sâu vào làng nghề, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những lò gốm đang ngày đêm đỏ lửa, dọc hai bên đường còn không ít nhà được sử dụng làm nơi phơi và trưng bày gốm. Đủ loại khạp, hũ, lu mọi kích cỡ được chất đống hai bên đường. Từ các vị cao niên trong làng gốm, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết rằng gốm Biên Hoà đã từng một thời vang danh thế giới. Gốm Biên Hoà thời điểm vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vẫn có một chỗ đứng nhất định trong giới chơi gốm cổ. 

Gần 100 năm trước, các sản phẩm gốm của Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa đã tham dự cuộc triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris đã gây tiếng vang lớn. Gốm Biên Hòa được Chính phủ Pháp đã tặng bằng khen danh dự tối ưu và Ban tổ chức triển lãm tặng Huy chương Vàng năm 1925.

Một góc bảo tàng trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, nơi lưu giữ tình đất tình người. 

Sau đó, ở cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1933, sản phẩm gốm Biên Hòa đã thực sự chiếm được vị trí ……. ở Pháp và thị trường gốm quốc tế. Sau Pháp, sản phẩm của Trường đã liên tục tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn ở trong và ngoài nước như: Nagoya (Nhật Bản - 1937), Hà Nội (1938), Sài Gòn (1942), Bangkok (Thái Lan - 1953 và 1955), PhnomPenh (Campuchia - 1957). Từ đây bắt đầu cho một thời kỳ hưng thịnh của gốm Biên Hòa đến cuối thế kỷ 20.

Một trường nghề đầu tiên của đất Nam kỳ

Không riêng Biên Hoà, Thủ Dầu Một cũng có nghề làm gốm, nhưng là dòng gốm gia dụng: chén, dĩa, bình bông... Tuy nhiên, nói đến dòng gốm có tính mỹ thuật cao, dùng để trang trí và trưng bày làm đẹp trong nhà, giới chơi gốm thường tìm đến gốm Biên Hòa. Bởi lẽ, Biên Hòa có điều kiện thuận lợi về khai thác nguyên liệu đất và trình độ nghệ nhân để chế tác màu men…

Vì vậy mà người Pháp đã đã chọn đây mở trường dạy nghề gốm. Năm 1903, Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa ra đời. Đến năm 1964, phát triển thành trường Trung học chuyên nghiệp mang tên trường Kỹ thuật Biên Hòa. Hiện tại đổi tên thành Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, ngôi trường dạy gốm hiếm hoi của miền Nam lúc bấy giờ.  

Là một ngôi trường hiếm hoi của cả nướcthời đầu thế kỷ 20,mục tiêu chủ yếu của trường là đào tạo ra những người thợ lành nghề, những cán bộ mỹ thuật bậc trung học.Nói cách khác, đây là nơicung cấp cho người học những kỹ năng nghề nghiệp- những kỹ thuật lâu đời về nghề gốm của thế hệ cha ông. Đồng thời, người học cũng được cung cấp một số ý tưởng và phong cách sáng tác để có thể tiến xa hơn với nghệ thuật. 

Ông Trương Đức Cường, hiện là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, những học trò thời trước kể lại,gốm Biên Hòa trong thời hoàng kim phải nung đến gần 1.300 độ, nếu không đúng kỹ thuật pha chế, không đạt đến nhiệt độ nhất định thì không thể đạt chất lượng. Người Pháp kỹ lưỡng và tinh tế nên rất nghiêm khắc với việc nung gốm trong lò, trong một mẻ nung gốm, nhà trường chỉ chọn duy nhất sản phẩm loại A, bất kể chi phí, thời gian, công sức. 

Lớp học nghề gốm thực hành tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. 

Khi gốm từ lò đưa ra nếu không đủ chất lượng, họ đập bỏ ngay để không đưa ra thị trường những sản phẩm chưa đạt chuẩn. Có lẽ một phần nhờ vậy mà gốm Biên Hòa một thời có những sản phẩm đạt đến độ tinh xảo rất cao. Các sản phẩm gốm thời kỳ này nếu dưới đáy có in chữ “Art de Bien Hoa” (mỹ nghệ Biên Hòa) thì mới được chứng nhận là có giá trị.

Đến nay, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai vẫn là một trong số ít cái nôi hiếm hoi về đào tạo, duy trì tinh hoa nghề gốm tại Biên Hoà. Những ngành đào tạo của trường luôn thay đổi theo yêu cầu của xã hội từng thời điểm lịch sử, song ngành gốm là một trong ba ngành đào tạo gần như tồn tại liên tục trong suốt gần 120 năm. Đó là ngành  gắn liền với "truyền thống lịch sử, kế thừa những thành tựu những kinh nghiệm và tri thức của đội ngũ thợ thủ công địa phương". 

Tìm lại thời hoàng kim nghề gốm

Thời kỳ hoàng kim, các sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp tại Biên Hoàtừng thu hút được rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan và chiêm ngưỡng, việc phát triển du lịch làng gốm thủ công ở Biên Hoà được chú trọng và nâng cao. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ dẫn tới các làng nghề truyền thống thủ công dần được thay thế bởi những trang thiết bị hiện đại. Hiện ở Biên Hoà chỉ còn một số ít làng nghề thủ công để lưu giữ lại những giá trị văn hóa để thế hệ mai sau còn biết tới.

Trong số này, nghề gốm Biên Hoà là một trong những làng nghề luôn được giữ gìn, nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá xưa và nay của vùng đất Biên Hoà, Đồng Nai. Gốm Biên Hoà được xem nhưbiểu tượng văn hóa,bởi nóchứa đựng các giá trị của nhiều thế hệ nghệ nhân.

Những năm gần đây, gốm Biên Hoà tuy vẫn duy trì được một nét đẹp văn hóa, lịch sử truyền thống của người dân Biên Hoà từ bao đời nay,nhưng du lịch làng gốm đang ngày càng mai một và trở thành xa xỉ. Hình ảnh từng đoàn khách trong ngoài nước đến tham quan sản phẩm, chiêm ngưỡng quá trình chế tác của các người thợ lành nghề gần như không còn nữa.  

Xa hơn, để vực dậy hình ảnh gốm Biên Hòa rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương với những chính sách hợp lý để bảo tồn và phát triển nghề, vừa gìn giữ văn hóa độc đáo của địa phương,giúp nghề gốm ở Biên Hoà ngày càng phát triển hơn, khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và thế giới. Cần lắm những người thợ tâm huyết với nghề gốm, như những người nghệ sĩ sáng tạotrong công việc tạo hình phục dựng,góp phần đưa nghề gốm truyền thống Biên Hòa xưa trở lại. Nếu được vậy, ta mới hy vọng ở thì tương lai, làng gốm Biên Hòa tìm được lại hồn cốt của một nghề từng vang danh thế giới.

Nghề gốm được du nhập vào Đồng Nai - Gia định từ thế kỷ XVII, cùng với tập đoàn cư dân Quảng Đông, do ông Trần Thượng Xuyên đưa vào định cư ở Cù lao phố (Biên Hòa) năm 1679. Khi Cù Lao Phố bị nạn binh lửa của cuộc nội chiến tiêu Thủy vào năm 1776, khiến những người Hoa (bây giờ đã là Minh Hương) phải chạy xuống Sài Gòn (vùng Chợ Lớn ngày nay) để định cư.

Đến đầu thế kỷ XX, một số lò ở xóm lò gốm chuyển dần về Biên Hòa, Lái Thiêu những nơi có trữ lượng đất nguyên liệu dồi dào. Lúc này, ở vùng Biên Hoà có 17 cơ sở sản xuất đồ gốm, gạch ngói quy mô lớn và một số cơ sở nhỏhọ sản xuất đồ gốm thô như lu, vải, hũ (sành lâu), choé, gạch ngói, chén nước mủ cao su ở Tân Thiềng, Vĩnh Cửu, Tân Hòa, Tân Vạn và Bửu Long.

Bên cạnh đó, ở các làng gốm nay thuộc Bình Dương, họ sản xuất chén, bác, đĩa, khạp da bò, da lươn và bản đồ bạch... Sau đó “theo một sự thỏa thuận với người Hoa ở Chợ Lớn, những lò gốm ở Biên Hòa thôi không sản xuất những mặt hàng gốm gọi là Cây Mai”.

Lúc này, một số thợ gốm Cây Mai đã “chuyển giao công nghệ” cho thế hệ học trò của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, để từ đó với những cải tiến của nhà trườngđã tạo nên loại gốm mỹ thuật đặc trưng được định danh là “gốm mỹ nghệ Biên Hòa” nổi tiếng vào những thập niên 20 - 50 của thế kỷ XX.