Nhà lao Tân Hiệp (Trung tâm Huấn chính Biên Hòa), xưa kia thuộc thôn Tân Phong, tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, nay tọa lạc trên Quốc lộ 1, phường Tân Tiến, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 1km về hướng tây.
Là một trong sáu nhà tù lớn nhất miền Nam Việt Nam và là nhà tù lớn nhất Đông Nam Bộ, được xây dựng ở vị trí quân sự quan trọng, án ngữ phía Đông Bắc Biên Hòa. Phía trước là quốc lộ 1; phía sau là đường xe lửa Bắc - Nam. Đây là vị trí biệt lập, thuận tiện trong giao thông , dễ dàng cho việc bảo vệ, canh gác, nhận tù từ nơi khác đến và chuyển tù đi Côn Đảo, Phú Quốc.
Nhà lao Tân Hiệp tọa lạc trên khu đất trũng pha cát có diện tích 36.000m2, được bao bọc bởi hai lớp dây kẽm gai bùng nhùng và một hệ thống tháp canh (lô cốt) kiên cố. Các tháp canh số 1, 3, 5, 7 được trang bị súng trung liên, một loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Nhà lao có 7 trại giam được gọi theo chữ cái A, B, C, D, E, G và trại giam phụ nữ (trại ngoại). Trong đó, trại D, E, G và trại ngoại là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng, đảng viên Cộng sản trung kiên và đồng bào yêu nước, các trại này được quản lý và đối xử chặt chẽ, hà khắc hơn các trại khác. Được mang tên "Trung tâm cải huấn" nhưng thực chất đây là phòng xét hỏi, tra tấn với những dụng cụ hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Mỗi trại giam có diện tích gần 200m2 nhưng giam giữ từ 300 - 400 người, có lúc lên đến cả ngàn người.
Ngày 02/12/1956, được sự nhất trí của liên Tỉnh ủy miền Đông, những chiến sĩ cộng sản trong nhà lao Tân hiệp dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Tâm (Bảy Tâm) - Phụ trách Đảng ủy nhà tù và một số đồng chí khác đã bất thần làm một cuộc phá xiềng tập thể giải thoát các đồng chí, đồng bào yêu nước, sự kiện này đã làm xôn xao cả Lầu Năm góc.
Tự nổi dậy, phá khám cướp súng địch, trở về với Đảng, với nhân dân sẽ là một cuộc chiến đấu vô cùng cam go, gian khổ và ác liệt, không thể tránh khỏi sự hy sinh, mất mát. Nhưng mọi người đều quyết tâm chiến đấu vì lý tưởng giải phóng quê hương đất nước, giải phóng đồng bào ra khỏi bàn tay độc ác của Mỹ - ngụy.
Đúng 17 giờ 45 phút, khi tên lính trực đánh hồi kẻng báo cho tù nhân vào trại thì tiếng hô xung phong vang dội khắp trại giam. Đội xung kích chia làm 4 mũi đồng loạt đánh vào các mục tiêu đã định trước.
Mũi thứ nhất, do đồng chí Tạ Quang Huy chỉ huy đánh thẳng vào kho súng, mở đường cắt ngang qua Quốc lộ 1.
Mũi thứ 2, do đồng chí Mìn và đồng chí Lem chỉ huy đánh vào kho súng, cướp súng của địch trao cho các chiến sĩ xung kích khác và cùng chạy về phía sau chạy giam khống chế địch ở các lô cốt số 2, 3, 4, 5, để anh em từ các trại giam chạy ra cổng an toàn.
Mũi thứ 3, do đồng chí Nguyễn Văn Lũy (tức đồng chí Hai Thông) và đồng chí Phan Văn Rô chỉ huy từ trại E đồng loạt đánh vào kho súng và văn phòng làm việc của ban giám đốc trại giam.
Mũi thứ 4, do đồng chí Phạm Văn Còn và đồng chí Sỏi chỉ huy đánh vào nhà các tên chỉ huy trại, cùng lúc đồng chí Hồ Phước Nhơn (Hồ Thảo) và đồng chí Tám Thạnh đã dùng xẻng chặt đứt mọi đường dây điện thoại trong nhà tù không cho chúng liên lạc với bên ngoài xin chi viện. Đồng thời đồng chí Trần Văn Lực (Năm Lực), có nhiệm vụ mở cửa trại giam, đoàn người từ các trại chạy ào ra cổng đông như nước vỡ bờ, chạy qua Quốc lộ 1, tiến về sân vận động, Dưỡng trí viện, vượt rạch Đồng Tràm tỏa về các hướng.
Địch ở hai lô cốt số 1 và số 7 đã dùng trung liên bắn xối xả ra hướng cổng trại và ngoài sân banh, hướng các chính trị phạm đang chạy. Dưới làn đạn dày đặc của kẻ thù, số anh em ra sau trúng đạn bị thương và hy sinh gần 30 người, nằm rải rác trước cổng trại, bên sân banh và ven bờ suối. Đồng chí Phan Văn Rô vừa là người chỉ huy tài tình vừa là một chiến sỹ xung kích dũng cảm, đồng chí đã chiến đấu đến hơi thở sau cùng. Trước lúc hy sinh, đồng chí đã cố sức gượng dậy nói với đồng đội của mình: “Nhờ các đồng chí nhắn lại với Đảng, với nhân dân, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Nhà thơ, nhà báo, người đảng viên Cộng sản trung kiên Dương Tử Giang cũng bị thương nặng và hy sinh.
Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 02/12/1956 diễn ra trong vòng 40 phút, đã giải thoát được 462 cán bộ, thu được hơn 40 khẩu súng các loại là nguồn nhân lực và vật lực quý báu bổ sung cho phong trào Đồng khởi sau này.
Nhà lao Tân hiệp nay đã trở thành một di tích lịch sử đánh dấu sự nổi dậy, quyết tâm thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về với Đảng với nhân dân để tiếp tục chiến đấu, giải phóng dân tộc.
Nhà lao Tân Hiệp đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15/10/1994.
Tổ di tích – Thư viện.
|