Quê hương Biên Hòa – Đồng Nai đã sản sinh ra bao nhân sĩ, hiền tài như Bình Nguyên Lộc, Bùi Hữu Nghĩa, Đằng Phương - Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Tất Nhiên,…. Một trong những đóa hoa rực rỡ bất tử ấy là nhân sĩ Lương Văn Lựu. Người đã dành hết phần đời của mình trong việc biên khảo và nghiên cứu cho nền văn học, lịch sử của quê hương Biên Hòa – Đồng Nai. Đặc biệt là tác phẩm giá trị được nhiều người biết đến là “Biên Hòa Sử Lược”. Nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh của nhân sĩ Lương Văn Lựu (1916 -1992), thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, cuộc đời, những cống hiến lớn lao của Ông cho nền văn học, nghiên cứu sử lược của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng.
Lương Văn Lựu sinh ngày 22 tháng 12 năm 1916 tại làng Tân Thành, Bình Trước (nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Ông là con út trong một gia đình nho giáo, cha làm nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh, mẹ ở nhà nội trợ.
Từ thời thơ ấu, Lương Văn Lựu rất ham thích học hỏi. Vì vậy, dù nhà nghèo nhưng cha mẹ, chị của ông đều tần tảo làm lụng để có tiền cho ông ăn học. Vừa học ở trường lớp, vừa tự học ở nhà, Lương Văn Lựu đã trau dồi được cho mình vốn kiến thức. Với bản tính thông minh và cầu tiến, Ông đã không phụ lòng, phụ sức của người thân. Năm 1935, Lương Văn Lựu tốt nghiệp Trung học Pháp - Việt với vốn ngoại ngữ thuộc loại giỏi.
Ngày 12 tháng 12 năm 1936, ông kết duyên cùng bà Phan Thị Nở, người Làng Bình Trước. Ông và bà sinh được 9 người con (5 trai và 4 gái), hiện còn 2 người con trai (Lương Minh Nhan, Lương Minh Lý) và 1 người con gái (Lương Ngọc Dung). Lương Văn Lựu là người cương trực, sống trong sạch, phẩm hạnh lại thanh cao được nhiều người mến phục, suốt cuộc đời cống hiến cho nền văn hóa của Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng và đất nước nói chung. Ông là người con xuất sắc của quê hương, xứng danh là một nhà văn hóa, một sử gia có tầm cỡ, mặc dù chưa bao giờ ông nhận mình như vậy.
Mặc dù không được học tiếp, nhưng với ý chí và lòng kiên nhẫn đã giúp ông vượt qua bao khó khăn đời thường để duy trì tiếp con đường học vấn bằng cách tự học tại nhà.
Những năm trước 1945, cùng với những người cùng thời: Lý Văn Sâm, Bùi Nhựng,… Lương Văn Lựu viết báo và dịch thơ đăng trên một số báo như: Tiểu thuyết Thứ Bảy, Sài Gòn mới,... với các bút danh Nhứt Lưu, Trọng Khanh. Trong nghiệp viết báo, Lương Văn Lựu từng là chủ bút của tờ Biên Hùng tại Biên Hòa.
Điều đặc biệt là ông luôn ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa quê hương mà cụ thể là truyền thống văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Vì vậy, dù bận về công việc, Lương Văn Lựu vẫn âm thầm, cần mẫn đi sưu tầm, ghi chép tư liệu về vùng đất nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Ông say mê tìm tòi trong cổ sử, đi điền dã ghi chép những điều mắt thấy, tai nghe về quê hương của mình. Hơn 30 năm miệt mài, Lương Văn Lựu đã hoàn thành một số công trình nghiên cứu của mình về vùng Biên Hòa - Đồng Nai, tiêu biểu nhất là bộ sách “Biên Hòa sử lược toàn biên” gồm 5 tập: Trấn Biên cổ kính; Biên Hùng oai dũng; Đồng Nai thơ mộng ; Biên Hòa tân tiến ; Ba trăm năm người Việt gốc Hoa.
Trong cuốn “Trấn Biên cổ kính”, tác giả viết: “Tôi không có cao vọng theo con đường của một Ngô Sĩ Liên, một Phan Huy Chú, một Trần Trọng Kim, một Phạm Văn Sơn, nhưng chỉ vì nặng tình bản sở, mà làm kẻ lữ hành nhỏ bé, đi từng bước một, trên đường sử học, nhặt từng mảnh sử liệu vụn vặt ở mỗi nơi, ghi chép từng mẩu chuyện truyền khẩu mỗi vùng, giẫm chân trên gần khắp miền đông, từ thành thị đến thôn quê, thăm hàng ngàn gia đình, mót cộng lúa vàng trên đồng, xem hột thạch sa dưới nước hoặc đào bới dưới đáy giếng sâu, đọc tấm bia mộ rêu phong, viếng đình chùa, miếu môn cổ kính, bẻ cành cổ thụ trong rừng thiêng, nhặt hòn đá cuội trên núi thẳm, đến xem một ít di tích xưa còn lưu lại tại viện bảo tàng, trong ba mươi năm trời công phu sưu tập, để hôm nay, hoàn thành được bộ sử lược này, mà tôi coi như kết tinh đời văn học của tôi.” Mong ước đó đã thôi thúc ông, không quản ngày đêm, không tiếc công, sức để viết về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai thân yêu.
Ngoài viết văn và nghiên cứu, nhân sĩ Lương văn Lựu nổi tiếng trên văn đàn về dịch thơ Pháp và viết thơ. Ông còn có một tâm hồn thơ ca. Ông đã cho ra đời hơn 3 tập thơ, với trên 200 tác phẩm. Thơ của ông viết về những thắng cảnh và đặc sản quê hương Biên Hòa. Ngoài ra ông còn biên soạn bài vọng cổ “Biên Hòa Quê Hương Tôi” được giới văn nghệ sĩ Đồng Nai yêu thích.
Những năm cuối đời ông còn nghiên cứu làm thơ, liễng đối các chùa chiền trong tỉnh Biên Hòa. Gần 100 bài thơ tả cảnh và vịnh các cảnh chùa chiền tại Biên Hòa hiện vẫn còn được lưu giữ. Do bệnh nặng và sức lực cạn dần, nhân sĩ Lương văn Lựu đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7 giờ sáng, ngày 30 tháng 5 năm 1992, hưởng thọ 77 tuổi. Ông mất đi, nhưng người Biên Hòa - Đồng Nai sẽ luôn nhắc nhớ về ông qua những tác phẩm văn chương, những bài nghiên cứu mà ông để lại. Chính nhờ nguồn sử liệu, khảo cứu của cố nhân sĩ Lương Văn Lựu, thế hệ trẻ chúng ta hiểu biết thêm về một diện mạo của tỉnh Biên Hòa xưa và thêm yêu quê hương, đất nước mình hơn.
Qua bài giới thiệu sơ lược về tiểu sử, cuộc đời cố nhân sĩ Lương Văn Lựu, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu hơn về lịch sử quê hương Biên Hòa – Đồng Nai thân yêu, hiểu hơn về những cống hiến lớn lao của nhân sĩ Lương Văn Lựu cho nền văn học, nghiên cứu sử liệu ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Qua đó, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước với bạn trẻ, gắng sức học tập tốt, lao động tốt, dựng xây quê hương Đồng Nai ngày càng văn minh và hiện đại.
NGUYỄN CÔNG TRINH
|