Slide Slide Slide Slide Slide Slide
Videos
Quảng Cáo
Thống Kê Truy Cập
Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua đó là quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Hiện nay, cả nước có 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử, 105 di tích quốc gia đặc biệt… “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy ngàn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa và phát triển. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt thu hút các nguồn lực nhằm tập trung cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Vì vậy, nhiều di tích đã được giữ gìn và trở thành điểm đến hấp dẫn, địa chỉ văn hóa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Di tích khi được phát huy giá trị đã thực sự trở thành không gian văn hóa được người dân chung tay bảo tồn, phát triển.

Bên cạnh những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, vẫn tồn tại một thực trạng đáng buồn, đó là nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị mai một, thậm chí bị tiêu vong. Không ít di tích dù được các chuyên gia đánh giá là quý hiếm nhưng nằm phơi nắng phơi sương, không được trùng tu, tôn tạo. Có địa phương dù đã rất cố gắng nhưng do nguồn kinh phí ngân sách eo hẹp, không huy động được nguồn lực xã hội hóa đành ngậm ngùi nhìn di tích xuống cấp, hư hại.

Tại Đồng Nai, thời gian qua, với việc kêu gọi sự chung tay bảo tồn giá trị di tích từ cộng đồng, nhiều di tích đã lấy lại được sức sống, trở thành địa chỉ kết nối văn hóa, giao lưu của người dân. Tuy nhiên, với một địa phương có đến 1,5 ngàn di tích phổ thông và hơn 62 di tích được xếp hạng như ở Đồng Nai, vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích thực sự hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng di tích bị xuống cấp, rơi vào quên lãng…              

Minh Ngọc